Trich bao: giaoduconline – giaoduc.edu.vn
Click vao link: https://www.giaoduc.edu.vn/dao-tao-nghe-theo-bo-chuong-trinh-chuyen-giao-tu-duc.htm
Ngày 1-11, Trường CĐ Kỹ nghệ II đã khai giảng lớp CĐ chính quy chương trình chất lượng cao (CLC) cấp độ quốc tế hai nghề công nghệ ô tô và nghề hàn (kết cấu kỹ thuật) theo chương trình chuyển giao từ Đức.
Trao chứng chỉ của Đức cho giảng viên
Theo đó, 32 sinh viên được tuyển chọn đào tạo chương trình này có kết quả học tập lớp 12 đạt loại Khá trở lên, trình độ Anh văn tương đương A2.
Với thời gian đào tạo 3,5 năm, chương trình đào tạo được thiết kế gồm 2 phần: phần các môn học chung theo quy định của Việt Nam và phần chuyên môn là bộ chương trình chuyển giao từ Đức.
Trong quá trình học chuyên môn nghề, sinh viên phải học ngoại ngữ (tiếng Anh) để đảm bảo kết thúc chương trình phải đạt trình độ tối thiểu B1 theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu – CEFR.
Tốt nghiệp chương trình, sinh viên được cấp 2 băng, trong đó 1 bằng tốt nghiệp đạt tiêu chuẩn Đức do HWK Leipzig cấp (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức) và 1 bằng tốt nghiệp CĐ do Trường CĐ Kỹ nghệ II cấp.
TS.Nguyễn Thị Hằng trao chứng chỉ của Đức cho đại diện khoa đạt tiêu chuẩn đào tạo chương trình CLC.
Để đảm bảo yêu cầu đào tạo chương trình CLC này, trước đó, giảng viên của 2 nghề này đã được đào tạo 5 tháng tại Đức và được cấp chứng chỉ. Phía Đức cũng đã có khảo sát, đánh giá về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
TS Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết, đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp bách, đặc biệt là đào tạo nhân lực CLC phục vụ thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế. Đào tạo nghề theo bộ chương trình chuyển giao từ Đức là cơ hội và cũng là thách thức cho các trường nói chung và Trường CĐ Kỹ nghệ II nói riêng. Vì vậy, để đào tạo sinh viên giỏi chuyên môn, có kỹ năng cần thiết đòi hỏi đội ngũ giảng viên nòng cốt được đào tạo tại Đức phải tâm huyết, trách nhiệm truyền đạt kiến thức, phương pháp giảng dạy cho đồng nghiệp và phát huy phương pháp giảng dạy, tiếp cận sinh viên.
“Nếu sinh viên không say mê học tập thì giáo viên có giỏi đến mấy cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, vì vậy sinh viên phải đóng vai trò chủ đạo, bên cạnh học chuyên môn cần chú trọng học nhiều kỹ năng liên quan”, TS.Nguyễn Thị Hằng kỳ vọng.
Ban Giám hiệu, chuyên gia, giảng viên và sinh viên lớp CĐ chất lương cao theo chương trình chuyển giao từ Đức tại lễ khai giảng
Được biết, mới đây Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã công bố 45 trường trên cả nước được phép tuyển sinh và tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề CLC cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức. Tổng số sinh viên tuyển sinh theo chương trình này là 1.056 sinh viên (66 lớp) theo hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển. Các lớp này đồng loạt khai giảng vào 1-11-2019.
T.Anh